Có 36/46 nhóm hàng giảm so với tháng trước, trong đó có những nhóm hàng xuất khẩu lớn như điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may…
Xuất khẩu giảm 13,1%
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, sau kỷ lục xuất khẩu đạt được ở tháng trước, xuất khẩu trong tháng 4/2018 đã giảm khá mạnh (13,1%), đạt trị giá 18,37 tỷ USD.
Đáng chú ý, có 36/46 nhóm hàng giảm so với tháng 3/2018, trong đó, những nhóm hàng xuất khẩu lớn như điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may… đều giảm mạnh.
Tuy nhiên, nếu tính chung 4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục giữ được mức tăng khá cao 19,2%, tương ứng tăng 11,89 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 4/2018 đạt 3,48 tỷ USD, giảm 33,9% so với tháng trước.
Lũy kế đến hết tháng 4/2018, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng này đạt 16,08 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Liên minh châu Âu (EU 28 nước) đạt 4,56 tỷ USD, tăng 28% so với cùng thời gian năm trước. Xuất khẩu nhóm mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc tăng 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt trị giá 1,79 tỷ USD; sang thị trường Hoa Kỳ đạt 1,71 tỷ USD, tăng 23,5%.
Xuất khẩu máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 4/2018 đạt 2,15 tỷ USD, giảm 4,5% so với tháng trước, đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng đầu năm đạt 8,48 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc dẫn đầu với trị giá đạt 2,35 tỷ USD, tăng 28,4%; xuất khẩu sang EU đạt trị giá 1,58 tỷ USD, tăng 12%; sang Hàn Quốc đạt trị giá 884 triệu USD, tăng 53,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với hàng dệt may, xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 4/2018 đạt 2,12 tỷ USD, giảm 8,7% so với tháng trước, nâng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng đầu năm 2018 đạt 8,53 tỷ USD, tăng 14,5%, tương ứng tăng 1,08 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 4,06 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước, và chiếm 47,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.
Tếp theo là thị trường Nhật Bản đã nhập khẩu 1,12 tỷ USD, tăng 19,2%; thị trường EU nhập khẩu 1,11 tỷ USD, tăng 19,2%.
39/53 nhóm hàng nhập khẩu chính sụt giảm
Về nhập khẩu, theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 4/2018 của Việt Nam là 17,2 tỷ USD, giảm 8,9% về số tương đối và giảm 1,67 tỷ USD về số tuyệt đối.
Trong tháng 4/2018, có tới 39/53 nhóm hàng nhập khẩu chính giảm so với tháng trước, trong đó giảm mạnh ở các nhóm hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 974 triệu USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 268 triệu USD; kim loại thường khác giảm 175 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu giảm 161 triệu USD; xăng dầu các loại giảm 152 triệu USD…
Tính chung 4 tháng đầu năm 2018, trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước (tương đương tăng 6,06 tỷ USD về số tuyệt đối).
Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh ở 5 nhóm hàng là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 2,17 tỷ USD, xăng dầu các loại tăng 679 triệu USD, kim loại thường khác tăng 455 triệu USD, vải các loại tăng 430 triệu USD, chất dẻo nguyên liệu tăng 425 triệu USD.
Cụ thể, đối với máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp nhóm hàng này lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2018.
Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 4/2018 là 2,72 tỷ USD, giảm 26,3% so với tháng trước, nâng trị giá nhập khẩu trong 4 tháng năm 2018 lên 13,14 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 4/2018 đạt 2,45 tỷ USD, giảm 9,8% so với tháng trước. Tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2018, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này 10 tỷ USD, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác trong 4 tháng từ đầu năm 2018 chủ yếu được nhập từ Trung Quốc với 3,38 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước.
Về xăng dầu các loại, lượng nhập khẩu trong tháng 4 là 976.000 tấn, đạt trị giá là 632 triệu USD, giảm 20,4% về lượng và giảm 19,4% về trị giá so với tháng trước.
Tính đến hết tháng 4 năm 2018, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là 4,36 triệu tấn, tăng 10,7%, trị giá nhập khẩu là gần 2,82 tỷ USD, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong 4 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu chủ yếu từ các thị trường như Malaysia với 1,3 triệu tấn, tăng 69,3%; Hàn Quốc với 1,16 triệu tấn, tăng 16,6%; Singapore với 914.000 tấn, giảm 43,9%; Trung Quốc với 503.000 tấn, tăng 46,2%… so với cùng kỳ năm ngoái.